(CDC) - Trong tuần qua, giá cà phê Robusta tăng 125 USD/tấn, tương đương tăng 6,39 % và giá cà phê nhân xô tăng 2.200 đồng/kg, tương đương tăng 5,67 %, trong khi giá cà phê Arabica tăng 20,45 cent/lb, tức tăng 10,99 %. Đây là tuần lễ có mức tăng lớn nhất năm nay.
Biểu đồ giá cà phê Robusta London T11 tuần 39 (29/9 – 4/10/2014)
Cuối tuần, giá cà phê kỳ hạn thế giới tăng trưởng trái chiều trên hai sàn giao dịch.
Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 tăng 27 USD, tương đương tăng 1,32 %, lên 2.080 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2015 tăng 26 USD, tương đương tăng 1,26 %, lên 2.093 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 12 giảm 2,1 cent, tức giảm 1,01 %, xuống 206,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2015 giảm 2,2 cent, tức giảm 1,04 %, còn 210,3 cent/lb. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 200 – 500 đồng, lên tiếp ở mức 39.800 – 41.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, được chào 2.063 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi không đổi ở 30 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tăng 125 USD/tấn, tương đương tăng 6,39 % và giá cà phê nhân xô trong nước tăng 2.200 đồng/kg, tương đương tăng 5,67 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng 20,45 cent/lb, tức tăng 10,99 %. Đây là tuần lễ có mức tăng lớn nhất trong năm.
Giá cà phê thế giới chưa thể hồi phục mạnh mặc dù thông tin dự kiến Brazil sẽ sụt giảm sản lượng vụ tới năm 2015 càng tỏ ra đáng tin cậy hơn. Bên cạnh đó còn do sự mạnh lên của USD khiến nông dân Brazil và các nước sản xuất Mỹ Latinh đẩy mạnh bán ra cũng là cơ hội để đầu cơ giá lên gom hàng.
Thị trường New York cũng tỏ ra bất ngờ khi chỉ trong một phiên giao dịch của ngày 2/10 đã có tới 41.971 lô (tương đương 714.556 tấn ) được trao đổi, là con số hiếm thấy, trong lúc phần lớn giá cả trên các thị trường hàng hóa khác đều suy giảm.
Lượng cà phê Robusta được cấp chứng nhận tại thị trường London đã tăng thêm 14.740 tấn, tức tăng 15,21% sau hai tuần thương mại tính đến thứ Hai 29/9, lên đăng ký tồn kho ở 111.670 tấn. Dự kiến lượng tồn kho này sẽ gia tăng đều đặn trong những tháng tới khi giá kỳ hạn tỏ ra hợp lý hơn và các nước sản xuất cũng có hàng vụ mới đưa ra thị trường.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) công bố dữ liệu tháng 8/2014 cho thấy xuất khẩu cà phê thế giới đạt 8,85 triệu bao, giảm 1,21% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu trong 11 tháng đầu niên vụ cà phê 2013/14 cũng đã giảm khoảng 2% so với cùng kỳ niên vụ cà phê 2012/13. Trong vòng 12 tháng, tính đến hết tháng 8/2014, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 69,18 triệu bao so với 69,17 triệu bao một năm trước đó, trong khi xuất khẩu cà phê Robusta chỉ đạt 40,31 triệu bao so với mức 42,17 triệu bao cùng kỳ.
Dự báo sản lượng vụ 2015/16 của Braxin chỉ đạt dưới 40 triệu bao. Họ nhận định, Bộ Nông Nghiệp Mỹ dự kiến 49,5 triệu bao là quá cao. Trong khi đó các hãng tin khác cũng chỉ đưa ra dự báo ở mức 43 - 44 triệu bao.
Tại Việt Nam, thời gian qua, do mưa kéo dài, độ ẩm cao, các loại nấm xuất hiện khiến nhiều diện tích cà phê ở Tây Nguyên bị rụng trái non, chỉ còn trơ lại cành và lá, tỷ lệ rụng trái lên đến 10-15%, cộng với năng suất thấp do tỷ lệ cây già cỗi cao, dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2014/15 thấp hơn nhiều so với niên vụ trước.
Theo báo cáo của Viện Cà phê Quốc gia Costa Rica, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 9 đạt 62.160 bao, giảm 8.505 bao (-22,57%) so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê trong năm cà phê (tháng 10/2013 – tháng 9/2014) đạt 1.247.727 bao, giảm 145.345 bao (-10,43%) so với năm trước đó.
Viện Cà phê Quốc gia Honduras cho biết, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của Honduras đạt 84.842 bao, giảm 35.306 bao (-71,27%) so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê trong năm cà phê hiện nay (tháng 10/2013 – tháng 9/2014) đạt 4.223.882 bao, giảm 116.139 bao (-2,68%) so với năm trước đó.
Nguồn: Vicofa