Climate change

Biện pháp và Công cụ thích ứng


A.   Giới thiệu
Nông dân cà phê, các tác nhân chính trong chuỗi cà phê, là thành phần dễ bị tổn thương nhất. Để làm giảm thiểu những tổn thất trong sản xuất cà phê do những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, người sản xuất cần phải tìm hiểu và áp dụng các biện pháp thích ứng. Đây cũng là tiêu chí của sản xuất cà phê bền vững.
B.   Mục tiêu thực hiện
Học xong bài này, học viên sẽ có khả năng
-      Trình bày một cách hệ thống các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia.
-       Mô tả đầy đủ các biện pháp và công cụ thích ứng với biến đổi khí hậu ở quy mô trang trại.
A.    Nội dung bài học
1.     Biện pháp thích ứng ở cấp độ quốc gia, vùng
1.1.    Xây dựng khung chính sách thích ứng với BĐKH
Chính sách và giải pháp thích ứng với BĐKH phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng lĩnh vực, khu vực hay quốc gia do dự khác nhau về đặc điểm và những lựa chọn ưu tiên giữa các lĩnh vực và khu vực ấy. Tuy nhiên, có thể xây dựng một khung chính sách thích ứng với những nhiệm vụ chủ yếu dựa trên 4 nguyên tắc sau đây:
1)     Thích ứng với những biến động khí hậu và các hiện tượng khí hậu cực đoan ngắn hạn như là cơ sở để làm giảm khả năng tổn hại của những biến đổi khí hậu dài hạn.
2)     Các chính sách và giải pháp thích ứng phải được đánh giá trong bối cảnh phát triển.
3)     Thích ứng với biến động khí hậu và các hiện tượng khí hậu cực đoan được thực hiện ở các cấp khác nhau.
4)      Cả chiến lược thích ứng và quá trình thực hiện thích ứng đều quan trọng như nhau.
Những nhiệm vụ chủ yếu của khung chính sách thích ứng bao gồm:
1)      Xác định phạm vi và thiết kế kế hoạch thích ứng.
2)     Đánh giá khả năng tổn hại trước mắt.
3)     Đánh giá những hiểm họa khí hậu trong tương lai.
4)     Xây dựng chiến lược thích ứng.
5)     Triển khai và duy trì quá trình thích ứng.
1.2.   Phân loại các giải pháp thích ứng
Thông thường, người ta phân chia các giải pháp thích ứng với BĐKH thành 3 loại sau đây:
1.2.1.  Các giải pháp đa lĩnh vực
Các giải pháp đa lĩnh vực có liên quan nhiều đến việc quản lý các tài nguyên thiên nhiên gắn với các lĩnh vực. Chẳng hạn quản lý tài nguyên nước lưu vực,  quản lý tổng hợp dải ven biển, các cách tiếp cận sinh thái trong thích ứng với BĐKH bao gồm quản lý tổng hợp đất, nước, rừng,... nhằm bảo vệ đa dạng sinh học do tác động của BĐKH.
Các giải pháp đa lĩnh vực được cụ thể hóa dưới đây:
-      Điều chỉnh quy hoạch tổng thể đất đai và nguồn nước cho các mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là nông, lâm nghiệp và khai khoáng phù hợp với xu thế BĐKH và tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan, trong đó đáng chú ý nhất là hạn hán trong mùa khô và mưa lớn, lũ lụt, đặc biệt là lũ quét gia tăng trong mùa mưa, bảo đảm phát triển bền vững.
-      Có kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn của nhiều con sông ở hạ lưu thuộc Trung Bộ và Nam Bộ, nhằm bảo vệ nguồn nước, phòng chống thiên tai, bào vệ môi trường và đa dạng sinh học.
-       Cải tiến kỹ thuật canh tác nông nghiệp, các cây công nghiệp, nhất là kỹ thuật tưới, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nước.
-        Nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi nhằm phát huy hiệu quả tưới tiêu, điều tiết lũ trong diều kiện chế độ mưa biến động mạnh hơn.
-       Đẩy mạnh việc khai thác sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió, mặt trời…
-       Chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí đốt trong các nhà máy sản xuất điện: (i) tăng cường sử dụng năng lượng thay thế; (ii) giảm tổn thất và tiêu hao trong truyền tải điện.
-       Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực tiêu thụ năng lượng: (i) sử dụng điện tiết kiệm trong sinh hoạt đời sống thường ngày của gia đình; (ii) sử dụng thiết bị chiếu sáng và thiết bị điện hiệu quả và tiết kiệm hơn ở cơ quan, công sở,…quy định sử dụng điện hợp lý hơn trong các tòa nhà ở và tòa nhà thương mại.
-       Sử dụng nồi hơi, động cơ, lò nung dử dụng năng lượng hiệu quả hơn, cải tiến hoạt động quản lý năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng trong hoạt động công nghiệp.
-      Thu hồi nhiệt dư, chuyển đổi nhiên liệu, tái chế và thay – thế nguyên liệu trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng (sắt, thép, xi măng, giấy, hóa chất…)
-        Sử dụng phương tiện có hiệu quả sử dụng nhiên liệu cao hơn, chuyển đổi sử dụng nguyên liệu sạch hơn trong ngành giao thông, sử dụng động cơ điện trong giao thông đường bộ.
1.2.2.  Các giải pháp trung gian
Các giải pháp trung gian bao gồm nhiều hoạt động liên quan đến một số hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau có tác dụng quan trọng trong việc xây dựng và hỗ trợ thực hiện các giải pháp cụ thể đối với lĩnh vực hoặc đa lĩnh vực. Những giải pháp trung gian thường được sử dụng gồm:
-        Giáo dục và đào tạo, huấn luyện có thể giúp tăng cường năng lực thích ứng cho các chủ thể và cộng đồng trong tương lai và cũng có thể hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu triển khai liên quan đến xây dựng và các giải pháp thích ứng.
-        Tuyên truyền nâng cao nhận thức là biện pháp hiệu quả làm tăng sự hiểu biết và quan tâm, thu hút của các đối tượng khác nhau, trong đó bao gồm cả các nhà hoạch đinh chính sách, các nhà quản lý doạnh nghiệp, các tổ chức và cộng đồng vào các hoạt động thích ứng.
-        Tăng cường hoặc điều chỉnh các chính sách tài chính là giải pháp có tác dụng khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức và cá nhân, nhất là các khu vực tư nhân tham gia vào các hoạt động thích ứng.
-         Quản lý thiên tai và các hiểm họa khí hậu. đây là giải pháp quan trọng có thể làm giảm đáng kể những tổn thất do biến động khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan và những hiểm họa khí hậu cả trước mắt và trong tương tai. Giải pháp này trước hết sẽ được thực hiện trên cơ sở một hệ thống theo dõi, giám sát dự báo và cảnh báo sớm được tăng cường và hoàn thiện. Một hệ thống thông tin tốt sẽ góp phần đảm bảo cho các hệ thống theo dõi, dự báo và cảnh báo sớm phát huy kết quả. Cuối cùng còn phụ thuộc vào những người tiếp nhận và sử dụng thông tin. Các chiến lược và kế hoạch phòng chống thiên tai đã được thực hiện trước đây cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan gia tăng.
-                      Nghiên cứu khoa học, triển khai và đổi mới công nghệ là giải pháp cần thiết, tạo cơ sở cho việc ứng phó với BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan, bảo đảm tính khoa học, hiệu quả và bền vững.
-                      Tăng cường hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn và thông tin (viễn thông quốc tế và quốc gia), bảo đảm quan trắc đầy đủ và chính xác các yếu tố khí hậu, nhất là các đặc trưng yếu tố cực trị về nhiệt độ, lượng mưa, tốc độ gió, mực nước biển, dòng chảy,…tạo cơ sở cho việc nghiên cứu BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan, đồng thời cung cấp kịp thời thông tin khí tượng thủy văn nguy hiểm cho các hoạt động chỉ đạo phòng chống và thích ứng.
1.2.3.  Các giải pháp cho mỗi lĩnh vực
Các giải pháp đối với lĩnh vực liên quan đến thích ứng cụ thể các lĩnh vực chịu tác động của BĐKH. Thí dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp do chịu sự suy giảm của lượng mưa và tăng khả năng bốc hơi đòi hỏi phải có giải pháp nhằm tăng cường năng lực cung cấp nước tưới; khả năng mất đất nông nghiệp do mức nước biển gây ngập úng và nhiễm mặn là cơ sở để tăng cường hệ thống đê biển nếu cần phải bảo vệ diện tích nông nghiệp hoặc bố trí lại cơ cấu sản xuất cho phù hợp với điều kiện thay đổi.
1.3.         Các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp
1.3.1.  Giảm phát thải khí nhà kính trong quả lý và cải thiện kỹ thuật nông nghiệp
-         Cải tiến quản lý tưới tiêu.
-         Cái tiến chế độ phân bón các loại.
-         Bồi dưỡng đất hữu cơ bị mất dinh dưỡng.
-         Bồi toàn và phục dưỡng đất thoái hóa các loại.
1.3.2.  Giải pháp sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học
-         Phân tích các quan hệ giữa BĐKH và an ninh lương thực.
-         Quy hoạch cây trồng và mùa vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.
-         Quy hoạch vùng chế biến nhiên liệu sinh học.
-         Đào tạo cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật.
1.3.3.  Điều chỉnh cơ cấu cây trồng và thời vụ phù hợp với hoàn cảnh BĐKH
-         Đánh giá tác động của BĐKH đến tài nguyên thiên nhiên.
-         Dự kiến tác động tổn thương đối với cơ cấu cây trồng trong từng thời vụ.
-         Dự kiến các cây tròng có khả năng chống chịu với hoàn cảnh mới (chống hạn, chống nắng, chống nóng).
-         Dự kiến các cây trồng có hiệu quả cao.
-         Lập kế hoạch điều chỉnh cơ cấu cây trồng.
-         Lập kế hoạch điều chỉnh thời vụ.
1.3.4.  Đa dạng hóa hoạt động xen canh, luân canh
-         Đánh giá tác động của BĐKH đối với tài nguyên thiên nhiên.
-         Dự kiến các công thức xen canh, luân canh trong hoành cảnh BĐKH.
-         Thử nghiệm các công thức xen canh, luân canh mới.
-         Kiến nghị các giải pháp kỹ thuật liên quan.
1.3.5.   Cải thiện hiệu quả tưới tiêu nông nghiệp
-         Dự kiến tác động của BĐKH đến sản xuất lúa và các loại cây trồng.
-         Dự kiến nhu cầu tưới tiêu theo cơ câu mùa vụ mới.
-         Đánh giá khả năng đáp ứng của hệ thống phương tiện tưới tiêu.
-         Điều chỉnh hệ thống tưới tiêu và thay thế một số phương tiện tưới tiêu hiệu suất cao hơn.
1.3.6.  Tổ chức cảnh báo hạn hán, lũ lụt
-         Dự kiến tác động của BĐKH đến điều kiện thời tiết và nguồn nước.
-         Lập bản đồ hạn hán và bản đồ ngập lụt trong từng khu vực tương đối chi tiết.
1.4.         Các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành cà phê
Với nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất cà phê nói riêng, sự thích nghi là một hợp phần hữu hiệu trong chiến lược đối phó với các tác động có hại của BĐKH. Sự thích nghi có khả năng giảm thiểu những tác hạo của biến đổi khí hậu nhưng nó sẽ phải gánh chịu giá thành sản xuất cao hơn và không thể ngăn ngừa được tất cả những thiệt hại. nhiều cộng đồng và nhiều vùng bị tổn hại do BĐKH và dưới các áp lực của các sức mạnh như sự tăng tưởng dân số, sự cạn kiệt tài nguyên và sự nghèo đói.
Kế hoạch về BĐKH có thể bao gồm cả việc cân nhắc những rủi ro liên qua đến khí hậu bao gồm cả những vấn đề bắt đầu chậm như sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa dẫn đến sự tổn thất trong nông nghiệp, khô hạn và tổn thất trong đa dạng hóa sinh học, và cả những cái phát sinh bất ngờ nhưn giông bão nhiệt đới và lụt lội. có nhu cầu cho tấc cả các vùng nâng cao năng lực kỹ thuật để đạn giá, lập kế hoạch và hợp nhất các nhu cầu thích nghi vào các kế hoạch phát triển vùng. Có nhiều việc làm có thể giúp cho những người trồng cà phê, chuẩn bị đối diện với những tác động tiềm tàng của BĐKH trong các vùng đó. Những việc quan trọng nhất là:
-         Xây dựng cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu
(1)  Cần xây dựng các bản đồ về tác động tiềm tàng của BĐKH ở mỗi vùng cà phê. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ về tài chính và nhân lực theo Hiệp định chung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (VNFCCC: United Nations Framework Convention On Climate Change)ưu tiên cho các nước chậm phát triển cho các hoạt động thích nghi theo chương trình hành động thích nghi quốc gia (NAPAS: National Adaptation Programmes of Action;
(2)  Giám sát chi tiết sự BĐKH và sản xuất với các bản đồ đã được soạn thảo tỉ mỉ xếp loại các vùng có thiên hướng về lan truyền các dịch bệnh đặc biệt tùy thuốc và ảnh hưởng của khí hậu biến đổi;
(3)  Dự kiến tác động của BĐKH đến điều kiện thời tiết và nguồn nước và (iii) Cải thiện dự tiếp cận với các thông tin về khí hậu, thời tiết và biến đổi khí hậu…
-         Về vấn đề quy hoạch
(1)  Di thực: vì nhiệt độ cao hơn, cà phê sẽ chín nhanh hơn dẫn đến sự giảm chất lượng. Điều đó có nghĩa là trồng cà phê ở những vùng lạnh hơn sẽ trở thành phù hợp. Do đó, sản xuất cà phê có thể dịch chuyển lên phía Bắc hay phía Nam trùy theo vĩ độ để tìm điều kiện thích hợp hơn theo hai hướng: lên cao về vĩ độ và lên cao so với mực nước biển. Tuy nhiên việc di chuyển lên vùng vĩ độ rộng như thế sẽ có những khso khăn dô việc thay đổi giai đoạn sinh trưởng, hạn chế sự phát triển của hoa;
(2)  Cần thiết có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. dự tính áp lực lên việc sản xuất lương thực sẽ tăng lên, nhiều vùng đất trồng cà phê hiện nay sẽ bị cạnh tranh bởi các loại cây trồng có lợi hơn… Ở một số vùng thấp, khô hạn có thể phải bỏ cây cà phê và như thế người ta phải tìm những cây trồng khác thích hợp hơn.
-         Về kỹ thuật nông nghiệp
(1)  Các biện pháp trồng cây che bóng vừa để cải thiện điều kiện khí hậu trong vườn cà phê vừa để thực hiện đa dạng hóa cây trồng, đa dạng hóa cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm trong vùng trồng cà phê. Và cây che bóng cũng chịu tác động của nhiệt độ cao cho nên cần nghiên cứu tìm cây thích hợp hơn;
(2)  Các biện pháp dùng nhiều phân hưu cơ, trồng cây phủ đất (cover plant), tủ gốc cho cây cà phê (mulching)…
(3)  Các biện pháp kỹ thuật tỉa cành tạo hình cho cây cà phê để cây cà phê phát triển “hợp lý” hơn, bớt tiêu hao dinh dưỡng và nước hơn, cho hiệu quả cao hơn;
(4)  Công tác quản lý tài nguyên nước: do nước trở nên khan hiếm, cần phải có những hướng dẫn sử dụng nước rất chặt chẽ, có biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt và;
(5)  Cần thử nghiệm các phương án sản xuất khác nhau: trồng cà phê với mật độ cao hơn nhằm duy trì hoặc tăng chất hữu cơ trong đất và khả năng giữ nước của đất.
-                     Nâng cao năng lực cho các viện nghiên cứu: đặc biệt chú trọng công tác lai tạo và chọn lọc giống theo hướng lồng ghép các tiêu chí ứng phó BĐKH (giống ngoài đạt năng suất trần, cần có phổ thích ứng sinh thái rộng hơn, giống chống chịu sâu bệnh, chịu nhiệt độ cao hơn đòi hỏi ít nước hơn, tỉ lệ sinh khối/sản phẩm thấp hơn…
-         Nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi cung ứng cà phê:
(1)  Nâng cao nhận thức về những tác động của biến đổi khí hậu với ngành cà phê;
(2)  Trang bị cho các tác nhân trong chuỗi các công cụ để thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu đối với chuỗi cung ứng sản phẩm cà phê.
-         Huy động sự hợp lực của tất cả các tác nhân trong chuỗi để ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu: Ứng phó với biến đổi khí hậu cần được xã hội hóa để khai thác tối đa các tiềm năng và thế mạnh của tất cả các tác nhân, các bên liên quan đến chuỗi. Đối với người nông dân sản xuất cà phê, phương pháp ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng (Community based climate change adaptation approach) nên được đưa vào áp dụng rộng rãi vì đã chứng minh được hiệu quả ở nhiều địa phương trong nước và trên thế giới (ví dụ: Cộng đồng cùng nhau bàn bạc để xây dựng quy chế chia sẻ tài nguyên nước để tưới cà phê hay thảo luận phương phaspp sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả nhất…).
-        Phát triển các cơ chế tài chính: đặc biệt chú trọng tới kinh tế vi mô để thực hiện các biện pháp trên. Việc sử dụng những cơ chế thị trường như cung cấp tài chính, hỗ trợ cho những người trồng cà phê bắt đầu được áp dụng ở một số quốc gia, cung cấp những hướng dẫn của chính phủ để đảm bảo cho ngành cà phê phát triển bền vững.
2.     Các công cụ, biện pháp thích ứng ở cấp độ trang trại
2.1.     Trên đồng ruộng
Biện pháp thích ứng và giảm nhẹ các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới vườn cà phê đầu tiên là phải cần tiến hành phân tích hệ sinh thái vườn cà phê bao gồm các yếu tố: thời tiết, khí hậu, tình trạng đất đai, địa hình tại khu vực, tình trạng sinh trưởng và phát triển của các sinh vật (cà phê và các loại cây con) sống trong vườn và sự tác động qua lại giữa các yếu tố trên với nhau kể cả sự tác động của con người đến các yếu tố đó. Mục đích của việc này là để: (1) Biết đươch diễn biến sinh trưởng, phát triển của cây cà phê và các yếu tố tác động, trong đó có những tác động của biến đổi khí hậu đến sự sinh trưởng này; (2) Phát hiện sớm các nguyên nhân gây ra tình trạng không tốt cho vườn cây để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp; (3) Giúp tìm được cách chăm sóc hiệu quả nhất mà vẫn giữ được sự cân bằng của hệ sinh thái vườn cà phê.
Tùy theo kết quả phân tích hệ sinh thái vườn cây có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều các công cụ dưới đây:
-         Che tủ đất (ưu tiên thảm phủ sống) để làm giảm sự bốc thoát hơi nước, tránh xói mòn rửa trôi và cải thiện độ phì đất. có thể trồng các cây họ đậu trong vườn cà phê KTCB để có thể tận dụng đất trống, tăng thu nhập và tăng lượng chất xanh làm cho phân hữu cơ cho vườn cây (cần làm ngay và có thể thực hiện cho các loại vườn với các hệ sinh thái khác nhau, thích hợp với cả cà phê Arabica và Robusta).
-         Tủ gốc: dùng thân xác cây, cỏ như: rơm rạ, vỏ quả cà phê hoai, thân xác cây ngô, đậu phủ kin mặt bồn, độ dày ít nhất 5cm, cách xa gốc cây 15cm (Nên áp dụng ngay cho cà phê KTCB, thích hợp với cả cà phê Arabica và Robusta).
-        Trồng cây theo đường đồng mức/làm bờ bao, làm bẫy chưa nước mưa (Áp dụng ở những nơi đất dốc, khả năng xói mòn và rửa trôi cao, thích hợp với cả cà phê Arabica và Robusta).
-         Trồng cây hàng rào, trồng cây chắn gió và dòng chảy (Nên áp dụng ngay cho tất cả các loại vườn, thích hợp với cả cà phê Arabica và Robusta).
-         Trồng cây che bóng để làm giảm thiểu nắng gắt, giảm sự biến thiên nhiệt độ và giúp duy trì độ ẩm trong vườn cây (Nên áp dụng ngay cho tất cả các loại vườn, thích hợp với cả cà phê Arabica và Robusta).
-         Che túp: dùng những vật liệu dễ kiếm như cành cây, cỏ, rơm đan thành tấm che gió mùa khô cho cây cà phê, đồng thời cản bớt sức gió làm xói mòn đất mặt (Áp dụng cho cà phê trồng mới).
-         Trồng băng cây phân xanh ngang dốc và hướng gió. Tùy theo độ dốc từ 3 -5 hàng cà phê trồng 1 băng (2 hàng) cây muồng hoa vàng (Nên áp dụng ngay cho tất cả các loại vườn).
-         Tận dụng các phụ phế phẩm cà phê như cành hay lá cà phê sau khi tạo hình, vỏ thịt cà phê, vỏ trấu để ủ phân vi sinh, tăng độ phì của đất và nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng (Nên áp dụng ngay cho mọi trường hợp, thích hợp với cả cà phê Arabica và Robusta).
-         Tận dụng các nguồn phân xanh khác: (i) Các loại cây hoang dại ở Tây Nguyên như cây cỏ Lào, cây cúc đắng, cúc quỳ và cây lạc dại…và (ii) Các loại được trồng ở Tây Nguyên như muồng các loại, các loại cây họ đậu…bằng cách lấp phân xanh vào trong đất (ép xanh), vùi phân xanh trực tiếp vào đất hoặc ủ với phân hữu cơ (Nên áp dụng ngay cho mọi trường hợp, thích hợp với cả cà phê Arabica và Robusta).
-         Bón phân cân đối: khuyến khích phân tích đất để có cơ sở bón đúng các loại phân cần thiết, đủ lượng, đúng lúc (thời kỳ), đủ số lần và đúng phương pháp (cách). Cần bón cân đối đa, vi lượng và bón kết hợp phân hóa học và phân hữu cơ (Nên áp dụng ngay cho mọi trường hợp, thích hợp với cả cà phê Arabica và Robusta).
-         Tỉa cành tạo hình cho cây cà phê để cây cà phê phát triển “hợp lý”, bớt tiêu hao dinh dưỡng và nước hơn, cho hiệu quả cao hơn (Nên áp dụng ngay cho mọi trường hợp).
-          Sử dụng nước tưới có hiệu quả và tiết kiệm nước tưới: cần lập kế hoạch tưới nước tối ưu và áp dụng định mức tưới do cơ quan chức năng quy định (Nên áp dụng ngay cho mọi trường hợp, kể cả những nơi có lượng nước dồi dào để tiết kiệm cho phí lao động và nhiên liệu tưới).
-          Sử dụng cây giống có khả năng chống chịu hạn, sâu bệnh tốt hơn (Áp dụng cho tái canh).
-          Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (Chỉ sử dụng trong trường hợp cần thiết, theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn).
-          Xử lý chất thải rắn (vỏ bao bì đựng phân hóa học, vỏ chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật, rác sinh hoạt…) và nước thải (từ chuồng gia súc hay từ nhà vệ sinh) đúng cách để đảm bảo vệ sinh vườn cây, tránh gây ô nhiễm môi trường (Nên áp dụng ngay cho mọi trường hợp).
2.2.         Trong chế biến
-          Giảm sự tiêu dùng nước bằng cách sử dụng các máy xát sinh thái (máy xát trống đi kèm máy đánh nhớt trục đứng), tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường. Không nên lắp dặt máy xát Raoeng (Aqua-pulpa) trong các xưởng chế biến mới bởi vì máy sử dụng nước và điện năng nhiều; nó cũng tạo ra nước thải có hàm lượng hữu cơ rất cao khó xử lý;
-          Cải tiến công tác quản lý nước thải và chất phê thải. Nước thải chế biến trước khi xử lý tốt nhất được gạn lọc bớt chất xơ vỏ. Chất phế thải như vỏ quả nên được xử lý và ủ làm phân bón. Vỏ thóc khô có thể sử dụng như chất đốt cho việc sấy cà phê;
-          Tận dụng năng lượng mặt trời, như phơi nắng ở nơi và thời điểm có thể (tham khảo mục Phơi sấy cà phê ở Hợp phần Thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê);
-           Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho các máy sấy cơ học. Có thể hút khí nóng từ mái nhà kép (thực chất là mái và trần nhà) của xưởng chế biến hoặc kho bảo quản vào những giờ nóng nhất trong ngày (10 giờ sáng tới 2 giờ chiều) để sấy cà phê;
-          Nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu khác (dầu, than đá, củi) bằng cách cải tiến công nghệ lò đốt để nhiên liệu có thể cháy hết; áp dụng công nghệ sấy gián đoạn;
-          Thiết kế và đưa vào sử dụng các loại máy sấy có khả năng hồi lưu khí nóng (ví dụ máy sấy 2 giàn công nghệ cao của hãng Penagos, Colombia). Một mẫu hình của máy sấy 2 giàn đã có mặt tại xưởng chế biến của Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên.
B.   Kết luận
Sự biến đổi khí hậu tạo ra những thách thức, những sự đe dọa đối với ngành cà phê của nước ta cũng như toàn cầu. Nghiên cứu tìm hiểu kỹ những tác động của sự biến đổi khí hậu và những vấn đề sẽ nảy sinh để đưa ra và thực hiện những giải pháp, công cụ hợp lý sẽ giúp chúng ta sẵn sàng đối phso một cách chủ động, giảm nhẹ thiên tai và giúp cho ngành cà phê nước ta tiếp tục phát triển bền vững.
 

Related news

SUSTAINABLE AGRICULTURE DEVELOPMENT SUPPORT