“Tăng trưởng xanh” – Câu trả lời cho tương lai
1. Tăng trưởng xanh là gì?
Hiện nay mọi người nói nhiều về nền kinh tế xanh, về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên để có những luận bàn sâu hơn về những vấn đề này thì thiết nghĩ ta nên có những định nghĩa chính xác về nó.
Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) định nghĩa "kinh tế xanh" là một nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh. Chuyển dịch sang nền kinh tế xanh sẽ làm chậm lại sự gia tăng của hàm lượng các-bon và ngăn chặn biến đổi khí hậu. Sẽ có lợi cho sức khỏe con người, đảm bảo tính chịu đựng của hành tinh và sự sống còn của nhân loại. Thị trường toàn cầu hóa sẽ đi theo những chuỗi giá trị cung cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch và đầu tư được quy định nghiêm ngặt theo những nguyên lý bền vững.
Còn "Tăng trưởng xanh" là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau.
Còn Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì cho rằng “Tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này.”
Vậy có thể nói "Tăng trưởng xanh" và "kinh tế xanh" có quan hệ rất mật thiết với nhau. Để có được tăng trưởng xanh thì không thể không có kinh tế xanh và ngược lại.
2. Tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Việt Nam đang thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo chất lượng môi trường và an sinh xã hội trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi và chịu nhiều tác động tiêu cực do tăng trưởng thấp, khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia và biến đổi khí hậu. Và để đảm bảo được những mục tiêu phát triển như trên, tháng 9 năm 2012, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng xanh ở Việt nam là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính, đối phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nạn đói nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng đề ra 3 nhiệm vụ quan trọng là: 1) giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. 2) xanh hóa sản xuất. Thực hiện một chiến lược "công nghiệp hóa sạch" thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm. 3) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Như vậy ta có thể dễ dàng thấy với chiến lược này, Việt Nam đang đi theo xu hướng đúng đắn mà nhiều nước trên thế giới đang đi theo.
3. Tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc
Nếu như 60 năm trước, tăng trưởng kinh tế tập trung vào số lượng, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch thì 60 năm tới tăng trưởng kinh tế sẽ tập trung vào chất lượng, thông qua cải tiến công nghệ, áp dụng kiến thức xanh, bảo vệ môi trường.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, mà 97% tổng nhu cầu năng lượng lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Quốc gia này cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sạch trong thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu ngày nay.
Chính vì vậy tháng 5 năm 2008, Hàn Quốc đã công bố Tầm nhìn mới với mô hình phát triển "Carbon thấp, tăng trưởng xanh" trong đó tập trung giải quyết ba mấu chốt đó là thách thức của biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm và thách thức về năng lượng.
Theo mô hình phát triển đảm bảo sự phối hợp hài hòa và đúng mực của kinh tế và môi trường, một chiến lược quốc gia đã được đề ra với kế hoạch hành động năm năm, trong đó đáp ứng ba mục tiêu chính: tăng an toàn sử dụng năng lượng và tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy động cơ cho sự tăng trưởng, và gia tăng chất lượng cuộc sống.
Những mục tiêu trên là cơ sở hành động cho kế hoạch hành động của Hàn Quốc trong 5 năm 2009-2013, bao gồm:1) Thích ứng với biến đổi khí hậu;2) Giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả;3) Giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch;4) Phát triển công nghệ xanh;5) Xanh hoá các ngành công nghiệp hiện có;6) Phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến;7) Xây dựng nền tảng cho kinh tế xanh;8) Xây dựng không gian xanh và giao thông vận tải xanh;9) Thực hiện cuộc cách mạng xanh về lối sống;10) Hỗ trợ quốc tế cho tăng trưởng xanh. Ngân sách chính phủ Hàn Quốc dành cho tăng trưởng xanh trong 5 năm là 107,4 nghìn tỷ Won (khoảng 96,9 tỷ đô la). Cụ thể:
|
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
GDP(nghìn tỷ won) |
1,065.0 |
1,172.8 |
1,240.7 |
1,339.3* |
- |
Ngân sách quốc gia |
301.8 |
292.8 |
309.1 |
325.4* |
- |
Ngân sách cho tăng trưởng xanh |
17.5 |
23.6 |
24.7 |
20.4 |
21.1 |
% GDP |
1.6 % |
2.0% |
2.0% |
1.5% |
- |
% của ngân sách |
5.8% |
8.1% |
8.0% |
6.3% |
- |
Những thành quả thiết thực về kinh tế thu được từ việc thực hiện chính sách tăng trưởng xanh bước đầu đã cho thấy chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc mang tính khả thi. Kể từ năm 2007 đến nay, ở Hàn Quốc, riêng ngành sản xuất năng lượng tái sinh mới, số doanh nghiệp đã tăng lên 2,2 lần, số việc làm tăng lên 3,6 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 5,9 lần, đầu tư tư nhân tăng 5 lần. Mua sắm công cộng xanh năm 2005 chỉ đạt 1 ngàn tỷ won đến năm 2009 đã đạt tới 2 ngàn tỷ won. Đèn hình LED, LED TV, pin thế hệ 2, thiết bị điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân... tăng về số lượng sản xuất và xuất khẩu. Những kết quả thiết thực này đem lại hi vọng về một động lực tăng trưởng mới cho Hàn Quốc cũng như hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh.
4. Bài học kinh nghiệm
Để có được những thành quả như trên, Hàn Quốc đã rút ra một số bài học kinh nghiệm mà những nước như Việt Nam có thể áp dụng. Thứ nhất, đó là phải có sự tham gia của hệ thống chính trị cao cấp để giải pháp quyết những vấn đề liên quan tới sự chuyển đổi và cải cách về thể chế, hệ thống ưu đãi, tổ chức và có thể tổng hợp được sức mạnh để phối hợp những quan điểm và lợi ích khác nhau.
Thứ hai là có sự can thiệp chủ động của chính phủ để xây dựng khung thể chế và pháp lý bền vững cho tăng trưởng xanh, giới thiệu những chính sách, kế hoạch điều tiết thống nhất, thúc đẩy sự thay đổi trong thực tế. Ngoài ra, sự can thiệp của chính phủ có thể tối đa đa hóa sức mạnh và sự ảnh hưởng của thị trường đối với tăng trưởng xanh, có một hệ thống khuyến khích phù hợp với sự tham gia của khu vực tư nhân.
Để chiến lược tăng trưởng xanh thành công cần có sự kết hợp hài hòa và hiệu quả từ trên xuống cũng như từ dưới lên. Giải pháp toàn diện từ trên xuống sẽ giúp chia sẻ tầm nhìn và làm rõ những mục tiêu trung đến dài hạn về tăng trưởng xanh, có thể tư vấn và hợp tác, thuyết phục các bên liên quan và thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành đối với các địa phương liên quan. Còn sự chủ động tham gia của cộng đồng từ dưới lên sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh. Vì vậy phải có những chính sách cần thể hiện rõ các hành động có sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh, có những biện pháp chủ động để thay đổi hành vi của cộng đồng. Việc phổ biến tăng trưởng xanh đối với các địa phương và khu vực nông thôn trên phạm vi quốc gia là việc làm rất cần thiết. Khi đã có sự ủng hộ của hệ thống chính trị cao cấp, sự tham gia của chính phủ, của cộng đồng thì bước tiếp theo đó là huy động sự hợp tác toàn cầu.
Những vấn đề như biến đổi khí hậu không nằm ở một quốc gia và một quốc gia không thể giải quyết được vấn đề này. Vì vậy cần có sự huy động nguồn lực từ các đối tác khác nhau ở nước ngoài, chia sẻ kiến thức giữa các quốc gia láng giềng và nhà lãnh đạo toàn cầu, và phổ biến những bài học kinh nghiệm tốt tới nhiều quốc gia.
5. Những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh toàn cầu
Trong nỗ lực thức đẩy quá trình Tăng trưởng xanh ở phạm vi thế giới, Hàn Quốc đã có những hỗ trợ rất nhiều cho những quốc gia lựa chọn con đường này. Hàn Quốc đã hỗ trợ 1,3 tỷ đô la trong năm 2011, tăng 6,5 lần so với năm 2000 cho tăng trưởng xanh, và dự định sẽ tăng 30% tổng số viện trợ đến năm 2020 cho những dự án phát triển về năng lượng tái tạo và bảo tồn.
Cơ quan phát triển Hàn Quốc (KOICA) đã có những dự án hỗ trợ tăng trưởng xanh ở Sri Lanka. Đó là dự án tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước này thông qua việc chia sẻ cơ sở dữ liệu, phân tích và khả năng sự báo thời tiết.
Ở Phillippines, KOICA cũngđã cam kết sẽ xây dựng hồ chứa, kênh thủy lợi,hệ thống xử lý nước để quản lý nguồn nước phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.
Tại Việt Nam, Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI) phối hợp với Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) đã có những khóa tập huấn cho cán bộ ở Sở tài nguyên Môi trường Hồ Chí Minh, Viên Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng để chia sẻ kiến thức về Tăng trưởng xanh nhằm nhằm tăng cường năng lực cho lãnh đạo địa phương và tăng vai trò làm chủ của họ trong quá trình lập kế hoạch, triển khai các chính sách và những chương trình phát triển cho thành phố.
Vào ngày 23-24 tháng 6, GGGI, UN-Habitat cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Namsẽ tổ chức Diễn đàn đầu tư Quảng Nam hướng tới Tăng trưởng xanh với vai trò là cầu nối giới thiệu mô hình thành phố sinh thái Hội An, các sáng kiến và dự án đầu tư trọng điểm hướng tới tăng trưởng xanh tại Quảng Nam cho các nhà đầu tư chiến lược, các tổ chức tài trợ và định chế tài chính, các tổ chức phát triển quốc tế và đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh và khu vưc tư nhân cũng như các cơ quan trung ương.
Hi vọng thông qua Diễn đàn đầu tư Tăng trưởng xanh, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn môi trường đầu tư, những lợi thế khi đầu tư ở đây và Quảng Nam sẽ bước gần hơn nữa trong việc hiên thực hóa chiến lược phát triển tỉnh hướng tới tăng trưởng xanh. (Ts. Nguyễn Quang - Giám đốc chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc[UN-Habitat]).
Nguồn: http://tangtruongxanh.quangnam.gov.vn